Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Ginkgo Biloba: Hiểu thêm công dụng, tác dụng không mong muốn

Cao lá bạch quả (Ginkgo biloba) được chuẩn hóa chứa 24% flavonoid, 6% ginkgolid biloba (diterpen lacton) và không quá 5 phần triệu axít ginkgolic (viết tắt là EGB).

Nhìn lại dược tính, ứng dụng lâm sàng của EGB

EGB làm tăng chức năng tuần hoàn não, tăng tính chịu đựng của mô não khi thiếu oxy, chống oxy hóa gốc tự do, ổn định màng tế bào nên được coi như là chất bảo vệ thần kinh. EGB còn có yếu tố ngăn cản kích hoạt tiểu cầu nên có tính chống đông máu. Ngoài ra, EGB còn làm thư giãn nội mô gan qua sự ngăn chặn 3-cyclo GMP (guanosid monophosphat), ngăn chặn bớt mật độ nhạy cảm của thụ thể cholin, thụ thể gây tiết epinephrin, kích thích sự hấp thụ cholin ở chân hải mã (hypocampus). EGB cũng ngăn cản việc kết tụ mảng amyloid (nguyên nhân gây bệnh Alzheimer).

Hiệu năng của EGB đã được chứng minh trên các thử nghiệm có đối chứng với giả dược ở người bị thiểu năng tuần hoàn não, bị suy giảm chức năng tuần hoàn chung, bị suy mạch máu ngoại vi, rối loạn thính giác. Do thế, EGB được dùng trong các trường hợp: điều trị thiểu năng tuần hoàn não (với các biểu hiện chính ù tai, chóng mặt, giảm thị lực…); điều trị thiểu năng tuần hoàn não khi chưa xảy ra tai biến mạch máu não nhằm dự phòng từ xa và sau khi đã xảy ra tai biến mạch máu não nhằm dự phòng tái phát tai biến này. Điều trị các triệu chứng đau (do suy tuần hoàn ngoại vi như: đau thắt khi đi ngoài, rối loạn dinh dưỡng), triệu chứng khập khễnh cách hồi, hội chứng Raynaud, chứng nhược dương (phối hợp với papaverin).

- Trong 10 năm gần đây có hàng trăm công trình nghiên cứu lại dược tính, ứng dụng lâm sàng của EGB. Trong số này, có một số đã đưa ra kết luận:

- Mặc dù EGB có tính năng ngăn chặn mảng amyloid nhưng EGB không có lợi ích lâm sàng với người người bị bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ tuổi già do đó thế không dùng EGB cho người Alzheimer nặng (lú lẫn), cũng rất ít khi dùng trong trường hợp Alzheimer nhẹ.

- Trong điều trị chứng khập khễnh cách hồi, tuy EGB có hiệu quả nhưng thấp chỉ có thể có được khi dùng với liều khá cao (240mg/ngày).

- Trong chứng ù tai thấp, EGB hầu như chỉ có hiệu quả với người mới bị ù tai nhẹ do vận mạch.

Nhận biết các tác dụng không mong muốn và khuyến cáo

Các nghiên cứu lâm sàng cũng ghi nhận EGB có các tác dụng không mong muốn: gây nhức đầu, bồn chồn, buồn nôn, tiêu chảy; làm tăng nguy cơ chảy máu (do có yếu tố ngăn cản sự kích hoạt tiểu cầu chống đông máu). Một số trường hợp cá biệt có thể gặp biến chứng nghiêm trọng như: xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết trong não, xuất huyết tiền phòng mắt (chưa rõ lý do). Chưa có tài liệu nào chứng minh tính an toàn của EGB ở người mang thai.

Theo đó, các nhà nghiên cứu lâm sàng đưa ra một số khuyến cáo:

- Không dùng EGB cho người có rối loạn đông máu. Không nên dùng chung EGB với các thuốc chống đông máu (warparin, heparin) hay các thuốc ngăn ngừa sự tập kết tiểu cầu (aspirin, dipiridanol, ticlopidin),với dược thảo đặc biệt có có chứa coumarin (fefeverfew, tỏi, sâm, clover đỏ) vì các phối hợp này sẽ tăng tính chống đông máu của EGB và các chất các thảo dược chống đông khác, làm tăng sự chảy máu.

- Nên ngừng dùng EGB trong 36 giờ hay tốt nhất là 14 ngày trước khi phẫu thuật (nhằm tránh nguy cơ tăng chảy máu).

- Không dùng chung EGB với thuốc chống động kinh như: carbamazepin, valproic axít vì EGB làm giảm hiệu lực thuốc chống động kinh.

- Tai biến mạch máu não có hai loại, một loại là chảy máu não do vỡ mạch, một loại là nhũn não do huyết khối làm tắc nghẽn mạch. EGB được chọn dùng trong trường hợp tai biến mạch máu não loại nhũn não mà không dùng trong trường hợp tai biến mạch máu não do chảy máu não (do EGB làm tăng tính chảy máu).

- Không nên dùng chung EGB với tradone vì có thể bị hôn mê (mới gặp một số trường hợp nhưng chưa giải thích được lý do).

- Không nên dùng cho người có thai vì chưa chứng minh được tính an toàn.

Kết luận

Người xưa dùng lá Ginkgo biloba có hiệu quả, an toàn. Do đó khi chiết ra EGB người ta tin cậy hoàn toàn vào kinh nghiệm đó. Các tài liệu trước đây ghi nhiều công dụng, không ghi tác dụng không mong muốn nào. Ngày nay, những nghiên cứu dược tính ứng dụng lâm sàng cho thấy EGB chỉ thực sự có công dụng trong một số trường hợp nhất định, đồng thời cũng chỉ ra những tác dụng không mong muốn mà trước đây chưa đề cập đến. Biết thêm những điều này để dùng EGB cho hợp lý.

DS.CKII. BÙI VĂN UY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét