Mô tả
Tên khác: hạt bo bo cườm gạo, ý dĩ nhân, ý mễ, lục cốc tử, mễ nhân và nhiều tên khác…
Tên khoa học: Coix lachrymajobi L. var. mayuen (Roman) Stapf. Họ lúa (Poaceae). Cây mọc hoang và được trồng nhiều nơi trong nước. Dùng hạt để ăn và làm thuốc. Nhiều món ăn ngon có ý dĩ như: cơm độn ý dĩ, ý dĩ hầm gà, chè ý dĩ long nhãn, sen.
Trên một tờ báo hàng ngày đưa tin một phụ nữ có thai đã bồi dưỡng hạt bo bo theo mách bảo. Sau khi ăn xong thì thấy đau quặn bụng nên đã được kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu an toàn qua khỏi tình trạng dọa sảy thai.
Ý dĩ là một loại lương thực được độn với cơm. Do giá trị dinh dưỡng cao nên được sử dụng để bồi dưỡng sức khỏe cho người già, trẻ em suy nhược và phụ nữ sau sinh. Nhưng do ý dĩ có dược tính lợi tiểu tiêu phù thũng tương đối mạnh nên không có lợi đối với thai nghén, Y văn đã viết rõ: kỵ thai.
Nhớ kỹ: ý dĩ chỉ dùng sau sinh, không được dùng ý dĩ (trước sinh) khi đang có thai.
Ý dĩ có 4 nhóm công dụng chính: lợi thấp, kiện tỳ, bài mủ và thư cân hoạt lạc. Dùng sống (sinh) thì lợi thấp, bài mủ; dùng sao chín thì kiện tỳ…
Lợi thấp: sinh ý dĩ nhân (sống) có tác dụng lợi thủy trừ thấp: phối dùng với xa tiền tử, phục linh, trạch tả… dùng chữa tiểu bất lợi thủy thũng.
Phối dùng với mộc qua, ngưu tất, phòng kỷ, tử tô, cau… dùng cho chân gối sưng đau, thấp, cước khí.
Kiện tỳ: ý dĩ nhân (sao) có công hiệu kiện tì trừ thấp, thường phối dùng: với bạch truật, phục linh, sơn dược sao, sao biển đậu, sao khiếm thực mễ… dùng chữa tỳ hư tiết tả (ỉa chảy).
Với người tỳ hư, thấp thịnh, thường dùng cả 2 loại sinh sống và sao ý dĩ nhân, thì có hiệu quả kiện tì, lợi thấp.
Bài mủ: sinh ý dĩ nhân không những có thể lợi thấp, mà còn có hiệu quả thanh nhiệt bài mủ. Nếu dùng với, đông qua tử, đào nhân, lô căn… chữa phế ung.
Phối dùng với cát cánh, bạch cập… dùng chữa phế ung, thổ ra nhiều mủ… thì có tác dụng trợ giúp bài mủ.
Thư cân: sinh dĩ nhân có tác dụng thư cân (gân), lợi khớp, giải đau tê.
Phối dùng với uy linh tiên, phòng kỷ, khương hoạt, độc hoạt, tang chi, xích thược, đương quy, phụ phiến… dùng chữa phong thấp tê đau, co giật, thể không co duỗi. Với phong thấp tê bại lâu ngày, gân co rút khớp và chi biến dạng, phải dùng ý dĩ nhân và phối dùng với các thuốc kể trên, ngoài ra đồng thời phải phối dùng với cốt toái bổ, sơn giáp nướng, hồng hoa, địa long, hổ cốt (hoặc xương báo) tục đoạn, mộc qua, để hoạt huyết thông lạc, thư cân tráng cốt. Trường hợp này dùng sống và sao ý dĩ nhân, vừa là để lợi thấp thư cân lại vừa kiện tỳ ích vị.
Ý dĩ là thức ăn chữa bệnh an toàn và hiệu quả
Sau đây là tâm đắc rất quý của một lương y giàu kinh nghiệm thực tế ta cần được tham khảo:
- Người bị bệnh phổi, thỉnh thoảng dùng ý làm món ăn trị liệu, có thể giải trừ được chứng nặng ngực do sự uất kết ở khu vực đó gây ra. Bệnh nhân nhờ vậy khạc đàm được dễ dàng. Những khí quản nhánh nở rộng, giúp phổi cảm thấy dễ chịu hơn.
Giá trị dinh dưỡng của ý dĩ rất cao lại là vị thuốc lợi tiểu an toàn và hữu hiệu nghiệm. Nó có thể dùng làm thuốc trị ho hoặc an thần. Nếu cảm thấy gân cốt bị gò bó mát tự nhiên, cử động thiếu linh hoạt, co duỗi khó khăn, kèm theo tiểu tiện không được thông suốt nên dùng ý nấu nước uống, tiểu tiện sẽ trong và bình thường trở lại, những triệu chứng nói trên cũng sẽ biến mất theo.
Khi thấy trẻ sơ sinh đái dắt, đái ít có vẻ không được thông suốt, hoặc nước tiểu quá nóng lại rất khai có thể dùng ý dĩ nấu nước cho uống, thì khi bị nóng cũng ít mệt nhọc hơn. Loại nước ý dĩ cho dù uống nhiều cũng ít có hại…
Những trẻ sơ sinh bú sữa đặc hoặc sữa bột lâu dài, càng phải luôn luôn được uống nước ý dĩ. Vì sữa đặc hoặc sữa bột đều nóng, nếu độ đậm nhạt của lượng sữa không thích hợp, sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa của bao tử và ruột của trẻ mà sinh bệnh. Uống nước ý dĩ sẽ có công dụng phòng chống những loại bệnh đó,
- Tiểu tiện trẻ con được bình thường hay không, có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ tiểu tiện quá ít, lại có màu vàng sậm, rất khai đó là dấu hiệu báo trước trẻ sắp có bệnh. Nên dùng ý dĩ nấu nước, thêm vào một ít đường cát trắng cho trẻ uống, tiểu tiện sẽ trở lại bình thường, nhờ đó mà cơn bệnh sắp xảy ra sẽ được chặn đứng.
Trước kia, sữa đặc và sữa bột còn ít, ở thôn quê, nếu trẻ thiếu sữa mẹ để bú, hoặc do mẹ bị bệnh mà không cho con bú được, thông thường người ta dùng ý dĩ nấu nước cho trẻ bú thay sữa. Ý dĩ còn được tạm dùng trong các bài thuốc chữa trẻ bị cam tích bụng ỏng đít beo (suy dinh dưỡng)
Dùng nước ý dĩ để điều lý hệ tiêu hóa của trẻ, so với dùng canxi thì ý dĩ tốt hơn nhiều.
Người lớn bị chứng “tỳ hư”, dẫn tới hai bên gò má và hai chân bị phù thũng, tiểu tiện không thông, nên thỉnh thoảng nấu cháo ý dĩ làm thức ăn trị liệu rất tốt để kiện tỳ, lợi thủy, tiêu thũng.
Có những vị thuốc có công dụng thanh nhiệt, nhưng lại không có hiệu quả khử thấp. Hoặc chỉ có công dụng khử thấp, mà lại không có hiệu quả thanh nhiệt. Ý dĩ có đủ cả hai công năng đó và bất kỳ người có “gốc nhiệt” hoặc “gốc hàn”, dùng nó đều không bị phản ứng xấu.
Gặp khi có dịch cảm cúm, dùng ý dĩ nấu nước uống thay trà sẽ có hiệu quả dự phòng gián tiếp.
Mùa hè trẻ bị rôm sảy: nấu cháo bí đao ý dĩ cho trẻ ăn để thanh thấp nhiệt độc tích đọng ở da thịt ý dĩ 30g, bí đao 60g, ăn ngày 2 lần trong 1 tuần.
BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét